Tại sao con người chúng ta luôn có đau khổ?
Vì chúng ta luôn có những mong cầu, chúng ta luôn có được điều gì đó, đạt được điều gì đó. Chúng ta thích thú và dính mắc vào những trạng thái tốt đẹp thoải mái. Và khi chưa được như ý, chúng ta rơi vào buồn phiền, thất vọng, đau khổ. Chúng ta muốn chạy trốn khỏi những điều này bằng sự oán trách, phàn nàn, than vãn, chúng ta lại càng lún sâu vào vòng xoáy không đáy này.
Cuộc sống này đâu được sắp xếp để làm bạn hài lòng và thoải mái, mà là để giúp chúng ta nâng cấp tâm thức của mình. Nếu bạn không chịu đối mặt và sẵn sàng bước ra khỏi vòng an toàn của mình để xuyên qua nó, bạn sẽ chìm trong đau khổ. Nếu đâu đó vẫn có những điều bạn chưa hài lòng về cuộc sống hiện tại, điều đó thể hiện rằng đang có vấn đề mà bạn cần phải làm việc, có một bài học mà bạn cần thấu hiểu. Sự tồn tại của mỗi người thực chất là một tiến trình chuyển hóa, khai mở chính bản thân mình. Khi bạn thật sự khai mở, bạn cảm nhận được sức mạnh vững chãi bên trong chính mình để vượt thoát khỏi đau khổ và tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa đích thực.
Lại có những người nghĩ, chuyện nhà bạn khác nhà tôi nên tôi không thấy có vấn đề gì ở đây hết. Thực ra, chúng ta biết vấn đề nhưng không chịu giải quyết vấn đề thì chúng ta vẫn bế tắc. Giải quyết vấn đề không nhất thiết là đi theo ai đó, bắt chước ai đó. Đúng là có một số người là chuyên gia trong một vài lĩnh vực, song điều đó không có nghĩa là họ giúp bạn giải quyết được mọi điều. Bạn cần dựa vào chính mình, dựa vào vị thầy bên trong bạn. Đó là tấm gương phản chiếu bạn một cách rõ ràng nhất.
Vậy làm thế nào để ta phản chiếu được bên trong mình, làm thế nào để thấy được vị thầy bên trong bạn?
Câu trả lời là: Ta cần một không gian tỉnh thức, biết cách đặt câu hỏi cho mọi chuyện, biết bày tỏ mọi chuyện. Ở không gian này, ta chấp nhận mọi thứ như nó vốn là.
Việc chúng ta quan sát nội tâm của mình thông qua thực hành thiền là thực tế, hợp lý, hợp logic, không liên quan đến bất cứ tôn giáo nào. Tất cả chúng ta đều hít thở oxi trong căn phòng này, cảm nhận ánh mặt trời… Trong cơ thể chúng ta, các bộ phận nội tạng hoạt động theo những quy luật giống nhau. Qua những hoạt động thiền, ta có thời gian để chiêm nghiệm và nhận ra rằng chúng ta không hề xa lạ. Chính thói quen nhìn vấn đề thông qua lăng kính cá nhân khiến chúng ta thấy mình khác với người khác. Và như thế, sẽ không có sự tin tưởng, không thể chia sẻ với nhau được.
Mục đích của ta ở đây là hiểu rõ gốc rễ của khổ đau và tìm cách xử lý chúng.
Những gì ta cần là một khả năng nhận thức tỉnh thức, quan sát bản thân mình một cách khách quan. Thông thường ta hay định danh (đồng nhất) bản thân với những vấn đề ta đang có, như tôi có cái này, không có cái kia. Ta cần phải học cách để trở nên khách quan với những điều đó. Nó chỉ là các vấn đề, các điều kiện, các sự kiện, chứ nó không phải là bạn, không đồng nhất với bạn. Bạn cần hiểu điều này một cách sâu sắc. Có như thế, ta mới có thể hòa mình vào dòng chảy và chuyển hóa.
Khi ta giúp đỡ một người, ta sẽ hãnh diện về điều đó và đồng nhất mình với cảm xúc đó. Ta bị mắc kẹt trong cái tôi. Cái tôi giới hạn bạn. Từ đó, ta không thể nhìn cuộc đời với con mắt tươi mới, khách quan, sống động. Tất cả những gì cần lầm là bạn phải trở nên khách quan với những gì bạn có, với những gì bạn làm.
Ai cũng có những vấn đề, những khổ đau riêng, nhưng không nên đồng nhất mình với những điều đó.
Làm thế nào để trở nên khách quan hơn ?
Thiền và chánh niệm là điều mà chúng ta nên thực hành để có được điều này. Đây là những gì Đức Phật và các vị thầy yogi trao cho nhân loại.
Nếu chúng ta không nuôi dưỡng hạt giống làm sao ta có cây ăn quả. Để thoát khỏi những vấn đề đầu tiên ta cần nuôi dưỡng chính mình. Chúng ta cần hiểu tất cả chỉ là tạm thời, tất cả rồi sẽ qua.
Hãy tin tưởng vào chính mình và sẵn sàng dấn thân, hết mình trong mọi việc mình đang làm ở hiện tại. Lòng tin mở ra cánh cửa tỉnh thức.
Hãy quan sát bên trong chính mình và mọi điều xung quanh một cách kiên nhẫn.


Nếu chúng ta không tìm được gốc rễ vấn đề mà chỉ định danh (đồng nhất) ta với vấn đề thì ta mắc kẹt với vấn đề.
Ai tồn tại ở trên đời này đều có những vấn đề kể cả những con hổ, con nai… trong rừng. Những gì ta cần làm là không chạy trốn khỏi vấn đề mà giải quyết vấn đề. Hãy xem các vấn đề như là công cụ giúp ta khai mở chính mình.
Bí mật là ta không thể thay đổi mọi thứ ngay lập tức, nhưng chúng ta có thể có cách hiểu đúng đắn để làm chủ tình huống, những gì ta cần là hiểu mọi thứ đều có nguyên nhân gốc rễ, khi ta tìm được nguyên nhân gốc rễ ta sẽ có góc nhìn thay đổi hoàn toàn. Những nỗi đau bạn trải qua sẽ trở thành phước lành mang đến cho bạn trí tuệ.
Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh của mình ngay lập tức chỉ thông qua những mong cầu. Nếu cứ cố gắng bắt ép mình, ta sẽ còn rơi vào khổ đau nhiều hơn nữa. Khi chúng ta còn thấy khổ đau là chúng ta chưa thực sự học được những bài học từ những điều đã xảy ra. Ta bảo đó là số phận. Nhưng bạn biết không? Số phận chỉ tồn tại khi bạn không sẵn sàng. Khi bạn đã sẵn sàng thì bạn làm chủ số phận.
Tóm lại, nếu bạn có những đau khổ, nỗi khổ càng lớn, bạn càng có nhiều quyền năng. Khi bạn có nhiều sức mạnh, bạn càng có cơ hội vươn tới những điều lớn lao. Những điều lớn lao giúp bạn dịch chuyển, chuyển hóa sang bản thể cao hơn của chính mình. Vậy, bạn hãy bật công tắc sức mạnh của mình lên bạn nhé!
Chúng tôi rất muốn lắng nghe cảm nhận của bạn về chủ đề này và hãy lan tỏa sự thông tuệ này đến với những ai đang có những nỗi khổ niềm đau cần được giải phóng. Tất cả chúng ta đều xứng đáng sống trong bình an và hạnh phúc.